NMA-V và Hội người khuyết tật Tp. Cần Thơ đã tổ chức xét duyệt các hồ sơ dự án xin tài trợ vào ngày 5 & 6/06/2019. Năm nay, Hội người khuyết tật Tp. Cần Thơ nhận được 22 hồ sơ dự án gởi về từ các Câu lạc bộ của người khuyết tật, Trường chuyên biệt ở 8 tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. Gói tài trợ nhỏ này là một phần của dự án Hòa nhập xã hội mà NMA-V đã tài trợ cho Hội người khuyết tật Tp. Cần Thơ.
Chủ nhiệm các CLB thay phiên trình bày các đề xuất dự án của mình và phản biện trước Hội đồng xét duyệt dự án. Đây là cách để tăng cường năng lực cho các chủ nhiệm CLB không chỉ về kỹ năng viết dự án mà còn về kỹ năng thuyết trình. Năm vừa qua, hầu hết các CLB đều nhận được tài trợ để thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các thành viện của CLB. Tất cả các hoạt động này đều đạt kết quả tốt nhưng Ban chủ nhiệm chưa biết cách đưa các kết quả này vào trong đề xuất dự án. Chẳng hạn như, Nhóm chấn thương tủy sống ở Tiền Giang chia sẻ các thành viên CLB ngày càng tự tin hơn, sống tích cực hơn sau khi tham gia chương trình tham vấn đồng cảnh. Và các thành viên bày tỏ họ muốn học nghề để kiếm sống. Biết được nguyện vọng của hội viên, anh Cường - Trưởng nhóm có nghề đóng giày và đã từng thành công trong việc mở cửa hàng giày, sẵn sàng truyền nghề để anh em cuộc sống tốt hơn. Đây là một bước tiến lớn đối với nhóm chấn thương tủy sống.
Đối với nhóm người Điếc, việc thiếu kiến thức xã hội và kỹ năng sống do rào cản ngôn ngữ là một thiệt thòi lớn đối với họ. Thông qua các hoạt động tài trợ, họ có nhiều cơ hội không chỉ cải thiện kiến thức và kỹ năng mà còn biết cách vận động nguồn lực từ các trường chuyên biệt ở địa phương. Chẳng hạn như CLB Người Điếc ở Vĩnh Long biết cách vận động Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Vĩnh Long hỗ trợ các hoạt động tập huấn hoặc địa điểm sinh hoạt. Chị Uyên – Trưởng nhóm chia sẻ: “Cảm ơn NMA-V và Hội người khuyết tật Tp. Cần Thơ đã tạo cơ hội cho CLB người Điếc ở Vĩnh Long học ngôn ngữ ký hiệu để có nhiều vốn từ vựng trong ngôn ngữ ký hiệu và trong ngôn ngữ tiếng Việt để dễ dàng giao tiếp. Hiện nay, các thành viên đã tự tin sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và quay phim lại để chia sẻ với các bạn Điếc không có cơ hội học.”
Một thành viên khác của CLB Điếc chia sẻ: “Nhờ gói tài trợ nhỏ, tôi được học về sức khỏe sinh sản. Tôi biết bảo vệ bản thân và bạn gái của mình để đảm bảo tình dục an toàn. Sau tập huấn, tôi biết cách hỏi và trao đổi với bạn gái của mình trước khi muốn quan hệ tình dục.”
Nhìn chung, các thành viên của CLB đều có những thay đổi thông qua các hoạt động tặng cường năng lực. Và họ hy vọng được quan tâm và tạo nhiều cơ hội trong tương lai.
Lưu Thị Ánh Loan, cán bộ quản lý hợp phần Hòa nhập và BĐKH
Hãy đọc để tìm hiểu thêm về công việc của chúng tôi với người khuyết tật