Hạn mặn lịch sử năm 2020
Kết hợp đại dịch Covid-19 trở thành cuộc khủng hoảng kép tại Việt Nam

“Tôi đã sống ở đây mấy mươi năm rồi, đây là lần đầu tiên thấy con kênh này cạn khô đến tận đáy” – Một người dân ở Gò Công Tây cho biết.

Không chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của đại dịch covid-19, hạn mặn 2020 đã phá vỡ tất cả các kỷ lục trong các mùa hạn mặn trước đây kể cả mùa hạn mặn năm 2016. Nước mặn đến sớm hơn, lượng mưa ít hơn và suy giảm lượng nước từ thượng nguồn Mekong đã đặt Đồng bằng sông Cửu Long vào tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Ảnh (bên phải): người dân địa phương đang hái rau dưới đáy con kênh khô cạn

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình hình hạn mặn như hiện nay. Trước tiên và dễ ràng nhận thấy là lượng mưa năm nay thấp hơn 84% so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, dưới tác động của các đập thượng nguồn, lượng nước đổ về hạ lưu sông Mekong đã giảm 19% so với tháng 2 năm 2016. Thứ ba, là việc khai thác nước ngầm quá mức, sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng khiến cho nước biển dễ dàng lấn sâu vào đất liền. Ngoài ra, do nước lũ và lượng phù sa suy giảm trên sông Mekong khiến cho các khu vực cửa sông đã bị xói mòn sâu hơn, tạo điều kiện cho độ mặn tăng cao. Mực thuỷ triều trung bình ở khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long có khuynh hướng tăng cao do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tác động nghiêm trọng hơn năm 2016

Hậu quả là nước mặn đã lấn sâu đến 130km vào trong đất liền và kênh rạch của Đồng bằng sông Cửu Long. 5 trong số 12 tỉnh rơi vào tình huống khẩn cấp trước thiên tai (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An) và gây ảnh hưởng đến lượng nước ngọt cung cấp cho hàng triệu người dân nơi đây.

 

Hạn mặn lịch sử năm 2020

 

So sánh tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm 2020 và năm 2016 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia)

Mặc dù có kinh nghiệm ứng phó trong mùa hạn mặn 2016 và nhiều địa phương đã tích cực đề phòng, thiệt hại vẫn xảy ra đáng kể. Hàng ngàn hecta lúa đã bị thiệt hại do nước mặn. Tại Bến Tre, hơn 20.000 hecta cây ăn quả được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”. Nhiều vườn cây ăn trái đã chết cành, lá khô, trái rụng do thời gian dài không có nước tưới.

Một điểm đổi nước ở Tân Phú Đông

Tiền Giang, một trong những vùng Dự án do Tổ chức Liên Minh Na Uy tại Việt Nam (NMA-V) đang triển khai là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do xâm mặn. Ngay cả khu vực ngọt hoá Gò Công, lúa cũng chịu thiệt hại vì thiếu nước ngọt và nguy cơ giảm năng suất rất cao. Nước mặn đã xâm nhập đến tận Cái Bè là thượng nguồn của sông Tiền. Tại Cai Lậy, nhiều vườn cây sầu riêng đã khô héo. Trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, người dân phải thuê xe đi xa để lấy nước ngọt, nhu cầu mua nước nhiều hơn dẫn đến giá nước có khi lên đến 300.000đ/khối (tăng từ 5 đến 10 lần so với trước đó). Tại một số nơi, chính phủ đang hỗ trợ khẩn cấp nước uống và nước sinh hoạt cho người dân.

 

Một con kênh dẫn nước trồng xả đã khô cạn ở Tân Phú Đông

Các giải pháp được chính phủ và chính quyền địa phương đang thực hiện:

  • Khuyến khích người dân chủ động tích trữ nước trong ao, lu, bể chứa. Sử dụng nước sinh hoạt một cách tiết kiệm và hiệu quả.
  • Thiết lập các điểm đo độ mặn trên sông, kênh rạch và tại các nhà máy cấp nước để đảm bảo vận hành tốt cơ sở hạ tầng trữ và cấp nước.
  • Đầu tư mở rộng đường ống cấp nước, cung cấp thiết bị lọc nước mặn. Mở rộng các điểm cấp nước miễn phí cho người nghèo.
  • Đầu tư trên phạm vi lớn, các dự án hạ tầng dài hạn như các đập, trạm bơm ngăn mặn, trữ ngọt. Vận hành bơm trữ nước vào các kênh nội đồng. Tổ chức nạo vét hệ thống thu nước,  cống, kênh rạch.
  • Kêu gọi các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn trữ nước, trang thiết bị xử lý nước cho người dân thiếu nước ngọt, ưu tiên cho người nghèo.

Hoạt động do Liên Minh Na Uy đang hỗ trợ thực hiện

Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sinh kế thích ứng. Chúng tôi hỗ trợ các đối tác thực hiện đa dạng hoá sinh kế, thông tin về trữ và tiết kiệm nước, hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân. “Nhóm cộng đồng tự quản về biến đổi khí hậu” được thành lập tại Tiền Giang và Trà Vinh với mục tiêu khuyến khích người dân tự nguyện cam kết cải thiện hành vi ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy các hành vi liên quan đến tích trữ nước sạch bằng các dụng cụ khác nhau, tái sử dụng nước sinh hoạt như sử dụng nước vo gạo để tưới rau,...Kết quả là các hộ đã có ý thức tốt hơn trong việc tự trữ nước mưa phục vụ cho nhu cầu ăn uống ngay cả khi nước sinh hoạt đang thiếu thốn do lượng mưa giảm và nước mặn xâm nhập.

Để hỗ trợ nông dân nghèo ở Tiền Giang thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. NMA-V đã hợp tác với chính quyền địa phương hỗ trợ tôm giống và lúa giống. Mô hình này được coi là có khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu trong việc đảm bảo an ninh lương thực, có khả năng chống chịu tốt hơn các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết ở huyện Tân Phú Đông. Mô hình được xem là sản xuất thân thiện với môi trường trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân cả về tôm và lúa trên cùng một mảnh đất sản xuất. Mặc dụ hạn hán sớm và mất mùa cuối năm 2019, nông dân vẫn thu hoạch lúa với năng suất và lợi nhuận cao. Do đó, hầu hết các hộ gia đình thực hiện mô hình đều có tiền tiết kiệm hàng tháng giúp họ có thể tái đầu tư vào sản xuất.

 

“Tôi rất vui vì trữ được nước ngọt sinh hoạt dùng cho 4 người trong gia đình” – Chị Hiền tại xã Phú Đông cho biết

Cuối năm 2019, NMA-V và các đối tác địa phương đã quyết định hỗ trợ bồn trữ nước có dung tích 3000lít cho các hộ nghèo sống xa nguồn nước máy và nguy cơ thiếu nước ngọt. Người dân chủ động bơm nước từ các kênh dẫn nước chưa bị nhiễm mặn hoặc đi lấy nước từ các điểm đổi nước công cộng đổ vào bồn để tích trữ cho gia đình. Do đó, người dân có nước để giải quyết phần nào nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc, giảm bớt thiệt hại trong suốt mùa hạn mặn bất thường năm nay.

Nguyễn Tuấn Vũ, cán bộ dự án, Tổ chức Liên Minh Na Uy 

Tìm hiểu thêm về các dự án Biến đổi Khí hậu của chúng tôi

Trang web này về Tổ chức Liên Minh NaUy tại Việt Nam. Liên hệ

Tổ chức Liên Minh NaUy làm việc tại nhiều quốc gia.
Đọc thêm về Tổ chức Liên Minh NaUy toàn cầu